Cấp danh tính số, người dân hưởng lợi. Phổ cập danh tính số
Danh tính số hay danh tính điện tử (eID) là tập hợp các thông tin điện tử phục vụ việc xác định duy nhất một cá nhân, tổ chức. Khái niệm này đã được ghi trong dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, được Thủ tướng ngày 25-2 chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2021 để tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số.
Mới đây, ngày 25-2, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đã được khai trương với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. CSDLQG về dân cư được đánh giá là quan trọng nhất trong số các CSDLQG, vì đây là nền tảng cho chuyển đổi số. CSDLQG về dân cư sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử, thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hay các dịch vụ online như giao dịch tài chính - ngân hàng.
Danh tính số chỉ có thể hoạt động được dựa trên CSDLQG về dân cư - nơi lưu giữ dưới dạng số hóa đầy đủ tính pháp lý các thông tin về nhân thân của công dân. Danh tính số giống như một thẻ căn cước, một hộ chiếu điện tử của công dân. Khi giao dịch điện tử, người dân chỉ cần xuất trình danh tính số của mình là các thông tin nhân thân cần thiết sẽ được tự động cung cấp cho nơi tiếp nhận giao dịch. Tất nhiên, để bảo đảm bảo mật thông tin cá nhân của công dân, việc khai thác các dữ liệu nhân thân này sẽ phải phân thành nhiều lớp, tùy đối tượng mà được cấp quyền truy xuất những thông tin nào.
Tại buổi khai trương hệ thống CSDLQG về dân cư nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Hoàn thiện nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Từ danh tính số được người dân cung cấp, nơi tiếp nhận giao dịch sẽ tiến hành xác thực điện tử, là việc kiểm tra định danh điện tử của cá nhân hoặc tổ chức, để cho phép truy cập vào các dịch vụ hoặc tài nguyên của hệ thống thông tin.
Để có thể tiến hành các giao dịch, người có danh tính số sẽ phải cung cấp các yếu tố xác thực mà mình được cơ quan chức năng cung cấp. Đó là thông tin được sử dụng để xác thực điện tử, giống như chữ ký số của người dân. Nó có thể bao gồm các loại như: thông tin mà đối tượng yêu cầu xác thực biết (mật khẩu...); thông tin mà đối tượng yêu cầu xác thực có (sim điện thoại di động, USB token...); thông tin thuộc về đặc điểm tự nhiên (sinh trắc học) của đối tượng như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, giọng nói...
Ở Mỹ và nhiều nước tiên tiến, mỗi người dân khi sinh ra sẽ được cấp một số an sinh xã hội để sử dụng suốt đời. Tại Việt Nam, mỗi công dân cũng sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ CSDLQG về dân cư. Mã số này được cơ quan nhà nước cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên CSDLQG về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Từ đầu năm 2016, trẻ em mới sinh ra được cấp một số định danh cá nhân khi làm giấy khai sinh. Còn những người lớn chưa có số định danh cá nhân này sẽ được cấp khi dữ liệu được đưa vào hệ thống CSDLQG về dân cư và đó cũng chính là số thẻ căn cước công dân.
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia phát hành danh tính số do chính phủ cấp và áp dụng nhận dạng điện tử (danh tính số) để phục vụ cho việc bầu cử (ghi danh, cấp thẻ căn cước cử tri, nhận dạng và xác thực cử tri...), bao gồm cả những nước sử dụng đăng ký cử tri sinh trắc học. Thậm chí, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan còn chấp nhận eID do ngân hàng cấp để cơ quan chính phủ nhận dạng.
Tất nhiên, áp dụng danh tính số là việc mới mẻ. Vấn đề người dân quan tâm nhất vẫn là việc bảo mật thông tin cá nhân. Vì thế, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý II/2021.